Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Trở thành triệu phú tuổi 16 nhờ bán hàng trực tuyến

Christian Owens, một học sinh trung học người Anh, đã tự kiếm cho mình cả triệu USD nhờ bán phần mềm đóng gói và quảng cáo trực tuyến giá rẻ.

Vào lúc 7 tuổi, Owens có chiếc PC đầu tiên, 3 năm sau em bắt đầu sở hữu máy tính Mac và tự học thiết kế web. Đến năm 2009, cậu bắt đầu mở website chuyên bán ứng dụng cho hệ điều hành Mac. Owens cho biết bản thân là fan của Giám đốc điều hành Apple Steve Jobs và luôn trung thành với sản phẩm của hãng này.

Christian Owens.
Christian Owens. Ảnh: Masons.

Trang web Mac Bundle Box của Owens bán nhiều ứng dụng đóng gói cho hệ điều hành Mac với mức giá giảm đi nhiều lần so với mua lẻ. Cậu thường xuyên phải thương lượng với các nhà phát triển để cố gắng lấy được hợp đồng giảm giá trên các ứng dụng của họ. Nhờ hướng đi đúng đắn mà chỉ trong 2 năm, trang web của Owens đã có lãi lên đến hơn 1 triệu USD và biến cậu trở thành triệu phú vào tuổi 16.

Phần mềm đóng gói giá rẻ hơn so với mua lẻ.
Phần mềm đóng gói giá rẻ hơn nhiều lần so với mua lẻ.

Không dừng lại ở đó, cậu bé tiếp tục đầu tư vào Branchr, công ty quảng cáo dựa trên mỗi lần nhấp chuột. Công ty này cung cấp hơn 300 triệu quảng cáo trên 17.500 website, iPhone và điện thoại chạy Android. Hiện số nhân viên của Owens là 8 người trong đó có bà mẹ 43 tuổi của cậu. Trong năm đầu tiên, Branchr đã mang về cho chủ nhân 800.000 USD.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Owens cho biết sẽ không rời Branchr cho đến lúc công ty có giá trị 150 triệu USD. Ngoài ra, cậu còn muốn trở thành người đứng đầu trên thế giới Internet và trong lĩnh vực quảng cáo di động.

Nguyễn Hùng-VnExpress

read more...

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Nữ sinh gốc Việt kiếm 100.000 USD từ YouTube

Natalie Tran, cô gái được mệnh danh "Nữ hoàng YouTube", là một trong 10 người kiếm tiền nhiều nhất nhờ việc chia sẻ video trên mạng.

Đây là công bố mới nhất từ YouTube và công ty TubeMogul. Nghiên cứu dựa trên số lượng người truy cập và bản hợp đồng chia lợi nhuận quảng cáo giữa YouTube và đối tác. Theo đó, từ tháng 7/2009 đến 7/2010, Natalie Tran đã kiếm được khoảng 101.000 USD với hơn 131 triệu lượt xem.

Natalie Tran (sinh năm 1986, tên tiếng Việt là Trần Đình Tố Hân) đã tự làm video dựa trên những việc xảy ra với cô hàng ngày và thêm vài chi tiết hài hước để câu chuyện thêm sinh động. Tran cho biết mỗi clip mất 4 tiếng để viết kịch bản, quay video, biên tập và đăng tải.

Tính đến tháng 7 năm nay, 238 clip của Tran chia sẻ đã thu hút tổng cộng hơn 270 triệu lượt xem. Với 740.682 người đăng ký theo dõi trên kênh cá nhân, cô trở thành người nổi tiếng nhất trên YouTube ở Australia và đứng thứ 22 toàn cầu.


3 video mới nhất của Natalie Tran.

Những người kiếm tiền nhiều nhất trên YouTube từ 7/2009 đến 7/2010.

1. Shane Dawson 315.000 USD
2. The Annoying Orange 288.000 USD
3. Philip DeFranco 181.000 USD
4. Ryan Higa 151.000 USD
5. Fred 146.000 USD
6. Shay Carl 140.000 USD
7. Mediocre Films 116.000 USD
8. Smosh 113.000 USD
9. The Young Turks 112.000 USD
10. Natalie Tran 101.000 USD

Thế Mạnh-VnExpress


read more...

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

7 quy tắc khi cấp dưới là bạn bè

(Dân trí) - Bạn vừa được thăng chức và trở thành sếp. Chưa tận hưởng hết niềm vui, bạn nhận ra một khó khăn trước mắt: phải cư xử ra sao với những nhân viên cấp dưới là bạn bè thân thiết trong cuộc sống riêng của mình?

Quản lí nhân viên ở công sở là một quá trình đầy thách thức và càng phức tạp hơn nữa nếu phải quản lí bạn bè mình khi bạn là người có chức có quyền. Nó đòi hỏi sự cân bằng hoàn hảo giữa công việc và chuyện riêng. Nếu thể hiện sự chú ý đặc biệt tới bạn mình, dù chỉ rất nhỏ, bạn cũng sẽ nhanh chóng đánh mất sự tôn trọng từ những nhân viên khác. Còn nếu tỏ ra thờ ơ với bạn bè, mối quan hệ cá nhân cũng có nguy cơ đổ vỡ. Để giúp bạn tách bạch tình bạn với công việc, thể hiện sự chuyên nghiệp và duy trì sự cân bằng, dưới đây là một số lưu ý cần nhớ khi có bạn là nhân viên cấp dưới:

1. Đặt ra những quy tắc ngay từ đầu, khi bạn vừa trở thành sếp. Nói chuyện riêng với từng người bạn và thông báo với họ dù là bạn bè hay không thì công việc vẫn là công việc. Hãy nói với họ rằng bạn hi vọng họ sẽ tiếp tục làm việc như trước và thể hiện sự chuyên nghiệp mọi nơi mọi lúc. Nói với tông giọng thoải mái nhưng cứng rắn và khẳng định rằng họ cũng phải làm theo nguyên tắc, quy định như mọi người khác.

2. Đối xử với bạn bè như với những nhân viên khác, không hơn, không kém và không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào. Nếu bạn không làm vậy, nhân viên khác dễ dàng đánh giá rằng bạn đang thể hiện sự thiên vị và sẽ nhanh chóng đánh mất sự tôn trọng với bạn.

3. Đừng ăn trưa hoặc nghỉ ngơi giữa giờ cùng bạn bè quá thường xuyên, nếu những nhân viên khác không tham gia trong nhóm. Nhớ rằng mọi người đang quan sát bạn và sự biểu hiện bề ngoài là tất cả. Họ có thể “ buôn chuyện” rằng bạn đang tiết lộ những thông tin mật của công ty cho bạn bè.

4. Khi đánh giá bạn bè cho kì tăng lương hoặc thăng chức, đảm bảo công khai và công bằng, chỉ dựa trên hiệu quả công việc chứ không phải mối quan hệ cá nhân.

5. Không thảo luận, đánh giá về cách cư xử của nhân viên khác với bạn bè bất cứ lúc nào, dù là trong cuộc sống riêng.


6. Bên ngoài công sở, không thảo luận những vấn đề liên quan tới công việc với bạn bè.


7. Trong các bữa tiệc, liên hoan, lễ kỉ niệm… của công ty, hãy chú ý tới vị trí đứng hoặc ngồi. Đừng chỉ ngồi cạnh và nói chuyện với bạn bè của mình. Hãy đảm bảo rằng những nhân viên khác cũng tham gia trong nhóm.

Dù quản lí nhân viên bạn bè là hoạt động cân bằng và khó khăn nhưng chỉ cần nhớ 1 điều đơn giản, hãy đối xử công bằng với tất cả nhân viên và bạn sẽ được tôn trọng.

Vũ Vũ

Theo Deskdemon

read more...

Top 10 nhân vật cần có trong mạng lưới công việc

(Dân trí) - Mạng lưới của bạn có thể có rất nhiều người: đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, bạn bè… nhưng liệu đã được xem là đủ? Để tạo đà phát triển mới cho công việc, bạn có thể trông cậy vào ai? Mạng lưới quan hệ mạnh không chú trọng số lượng mà ở chất lượng.
1. Người cố vấn: Đây là người đã đạt đến mức thành công mà bạn luôn khao khát. Bạn có thể học từ thành công và thất bại của họ cũng như chú ý đến kinh nghiệm và cách xử trí tình huống. Mối quan hệ này có thể mang đến những bước tiến dài trong sự nghiệp vì bạn luôn có người dõi theo từng bước đi của mình.

2. Chiến thuật gia: Họ xuất hiện vào những thời điểm khác nhau trong cuộc sống của bạn. Họ giúp bạn đưa ra các quyết định và sự chuyển hướng quan trọng, cũng như mở ra các góc nhìn khách quan về các vấn đề bạn gặp phải.

3. “Đặc vụ ngành”: Đây là người làm cùng lĩnh vực của bạn, có thâm niên kinh nghiệm trong nghề, hoặc biết nhiều thông tin trọng ngành. Nói chuyện với họ sẽ giúp bạn cập nhật những diễn biến trong công việc và các sự kiện sắp tới. Khi công ty bạn có những sự kiện nổi bật, họ sẽ là kênh tuyên truyền hiệu quả.

4. Kẻ ngoại đạo: Tuy không làm cùng nhóm ngành với bạn nhưng họ lại là kho tin tức “nóng hổi” về các lĩnh vực đời thường mà bạn quan tâm. Nhân vật này sẽ giúp khơi nguồn cho các sáng tạo và ý tưởng đột phá của bạn. Bạn cũng có thể sử dụng các thông tin từ người này để tăng thêm phần thú vị cho các buổi trò chuyện với đối tác.

5. Người kết nối: Đây là người có mối quan hệ rộng và rất khéo léo trong việc tiếp cận và tạo lập quan hệ bằng cách thức độc đáo nhất. Họ cũng giỏi tìm kiếm và tận dụng các nguồn lực, cơ hội mà nhiều người hay bỏ qua. Họ sẽ là mắt xích giúp bạn nhân rộng mạng lưới của mình.

6. Lý tưởng gia: Đây là người sẵn sàng “phiêu” cùng các ước mơ hoặc ý tưởng điên rồ nhất của bạn. Cho dù bạn lạc đề và không thực tế thế nào đi nữa, họ cũng sẽ khuyến khích bạn động não tìm cách hiện thực hóa chúng.

7. Người thực tế: Ngược lại, bạn cũng cần người kéo mình về với hiện thực. Có thể họ sẽ nhíu mày, nhăn mặt để nhắn gửi rằng các trông đợi về dự án đã vượt quá khả năng của bạn. Đừng nghĩ họ tạt nước lạnh vào ý tưởng của bạn – những tranh luận cắc cớ của họ sẽ giúp bạn tìm được đáp án thực tế và khả thi cho vấn đề của mình.

8. Người nhìn xa trông rộng: Đây là những người sẽ tạo cảm hứng và giúp bạn vẽ ra chính xác các bước đi trong kế hoạch. Chỉ một lần gặp gỡ và trao đổi với những người này cũng sẽ giúp bạn thay đối hướng suy nghĩ về công việc và cuộc sống.

9. Cộng sự: Bạn cần những người có cùng lý tưởng và mục tiêu để cùng xúc tiến thực hiện ý tưởng. Họ cũng chia sẻ thông tin, cơ hội, thành công và thất bại cùng bạn.

10. Kẻ ngước nhìn: Và bạn cũng cần những người ngước nhìn mình – tức cần sự hỗ trợ và tư vấn của bạn. Khi hướng dẫn họ, bạn không chỉ có thể hệ thống và gọt giũa kinh nghiệm của mình, mà còn rèn luyện khả năng truyền đạt, thuyết phục. Đôi khi, họ còn khiến bạn tìm lại lửa nhiệt tình tưởng chừng như đã đánh mất trong công việc.

Bạn còn chần chờ gì nữa mà không tiến hành đánh giá mạng lưới của mình và bắt đầu lấp các chỗ trống còn thiếu.

Hoàng Vy Ân

Theo Yahoo

read more...