Sự thức tỉnh lần đầu tiên đến với tôi khi đọc cuốn sách "Bí quyết làm giàu vĩ đại nhất trong lịch sử" của Joe Vitale. Tác giả khẳng định rằng bí quyết làm ra tiền vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là hãy đem cho người khác tiền.
Khi còn rất nhỏ, tôi đã nghe và đọc rằng cõi sống của chúng ta chỉ là cõi tạm. Khi chết đi chúng ta chẳng thể mang theo bất cứ thứ gì, chỉ có những gì cho đi là còn truyền lại mãi. Khi còn trẻ, còn vất vả trong cuộc mưu sinh và tìm chỗ đứng trong cuộc sống, rất ít người suy tư về vấn đề này. Tôi cũng vậy, 28 tuổi là cái mốc tôi bắt đầu có những trăn trở và trải nghiệm về triết lý sâu xa này của sự sống.
Sự thức tỉnh bước đầu đến với tôi từ lần đọc cuốn sách "Bí quyết làm giàu vĩ đại nhất trong lịch sử "của Joe Vitale. Tác giả khẳng định rằng bí quyết làm ra tiền vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là hãy đem cho người khác tiền. Ông đã lấy dẫn chứng từ cuộc sống của rất nhiều các tỷ phú nổi tiếng trên thế giới để chứng minh.
Ông viết, John D. Rockefeller dạy con triết lý sâu xa của đạo làm giàu rằng: Từ khi cha mới có những đồng tiền đầu tiên, từ hồi cha còn là một đứa trẻ, cha đã bắt đầu cho tiền. Cho đến nay cha vẫn tiếp tục làm điều này. Và khi càng có nhiều tiền, cha càng cho nhiều hơn…
John D. Rockefeller muốn con mình hiểu thấu một cơ chế vận động của cuộc sống: Nếu đem tiền cho đi và không mong đợi họ sẽ trả lại thì tiền sẽ quay trở lại với người cho từ một nơi khác, nhiều hơn gấp trăm lần.
Đọc những dòng Joe Vitale viết về bí quyết làm giàu, tôi bắt đầu ý thức được vế thứ 2 của việc “cho đi”. Vế “được” của sự “mất”. Nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn - không chỉ là giàu có về vật chất - bạn sẽ thấy: Cho đi cái gì, bạn sẽ nhận được và trở nên giàu có hơn cái đó.
Cho đi sự tử tế, bạn sẽ nhận về sự tử tế nhiều hơn gấp bội; cho đi tri thức, bạn sẽ nhận về tri thức nhiều hơn gấp bội; cho đi tình yêu, bạn sẽ nhận về tình yêu nhiều hơn gấp bội…
Tương tự như vậy đối với cái ác. Nếu gây thù hận, bạn sẽ nhận được đầy ắp oán thù; Nếu keo kiệt, khi cần bạn sẽ bị người khác phủi tay quay lưng lại… Chính bạn là người tạo nên mạch chảy của cuộc sống tinh thần xung quanh bạn. Đọc đến đây, chắc nhiều người có ý nghĩ rằng không có gì mới. Và một điều nữa cũng rất cũ: Biết và tin là một khoảng cách rất xa. Tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Những năm tiếp theo của cuộc đời tôi bắt đầu chiêm nghiệm chân lý đó bằng chính trải nghiệm của mình. Tôi chập chững khám phá, thoạt tiên với thái độ nửa tin nửa ngờ, càng ngày phần trăm tin tưởng ngày càng cao. Và cho đến một ngày, sau khi xảy ra một sự kiện đặc biệt, tôi hoàn toàn bị khuất phục.
Cậu bé Giàng Mí Phình, 3 tuổi, người dân tộc Mèo ở Hà Giang, bị ung thư hốc mắt. Ảnh: L.D. |
Đầu năm 2009, tôi cùng một số người bạn tâm huyết thành lập ra nhóm thiện nguyện "Lá Me Xanh". Bắt đầu với chưa tới 50 người, đến nay đã có tới hơn 200 thành viên. Sáng Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi đều tới Viện K2 ở Tam Hiệp, Hà Nội - bệnh viện chuyên điều trị căn bệnh ung thư - thăm các bệnh nhân nhỏ tuổi bị căn bệnh hiểm nghèo. Ở đây, chúng tôi tự tay nhóm bếp, nấu cháo, bón cháo và kể chuyện, đọc thơ cho các em.
Những dịp lễ Tết, chúng tôi tổ chức những buổi văn nghệ nho nhỏ. Sân khấu được dàn dựng đơn giản trong chính phòng họp của các bác sĩ hoặc ngay ngoài sân bệnh viện. Mắt các khán giả nhỏ lấp lánh niềm vui, cho dù các em ngồi xem với những ống truyền treo lủng lẳng, với những cái đầu trọc lốc vì những đợt hóa trị, với những gương mặt còn tái dại sau những ca phẫu thuật…
Những lần đến đây, tôi thường xuyên cho cậu con trai 6 tuổi đi cùng. Tùy theo sức của mình, cháu tham gia vào những việc của chúng tôi. Có lẽ, tại đây lần đầu tiên, cháu nhìn thấy những góc khác của cuộc sống từ những người bạn kém may mắn hơn mình. Những bệnh nhân nhỏ tuổi ở đây không những phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, mà còn phải chiến đấu với sự nghèo khó. Tôi cảm nhận được sự xao động mạnh trong tâm hồn cháu sau sự ra đi của bé Giàng Mí Phình, 3 tuổi, người dân tộc Mèo ở Hà Giang, bị ung thư hốc mắt.
Mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng bé Phình ra đi không vì căn bệnh quái ác này mà bị suy kiệt thể chất vì gia đình không có điều kiện chăm sóc tốt. Trong những ngày điều trị tại Hà Nội, hai bố con cháu Phình chỉ có 5 nghìn đồng chi trả cho sinh hoạt 1 ngày. Bé Phình mất cuối năm 2009. Sáu tuổi, con tôi đủ hiểu với 5 nghìn đồng thì có thể mua được những gì.
Bẵng đi hơn 2 tháng. Sau Tết, cháu ngồi đếm số tiền mừng tuổi của mình. Tần ngần mất một lúc, cháu mang toàn bộ số tiền đó đưa cho tôi và nhờ bố chuyển cho các bạn ở bệnh viện K2. Để thử con, tôi đã gợi ý rằng, con có thể dùng số tiền này để mua ô tô, mua bộ đồ chơi siêu nhân mà con thích nhưng cậu con trai vẫn nhất quyết: "Bố mua đồ ăn cho các bạn giúp con". Tôi sửng sốt cảm nhận được một quyết định đã chín của một đứa trẻ còn non nớt trên mọi phương diện.
Hành động của con làm tôi thao thức cả đêm hôm đó. Vào lúc đưa cho tôi cái phong bì, con trai tôi đã làm chủ được cảm xúc của mình, chế ngự được lòng ham muốn của bản thân - điều không dễ đối với cả một người đã trưởng thành và ít nhiều từng trải như tôi. Khi đã làm chủ được một hành động, cháu sẽ dễ dàng làm chủ được những hành động khác của mình. Đây thực sự là một phần thưởng vô giá đối với tôi.
Cho đi sự tử tế, tôi nhận về sự tử tế từ một khía cạnh hoàn toàn khác. Cho đi cái gì, bạn sẽ nhận về đúng cái đó, nhưng nhiều hơn gấp bội. Tôi hoàn toàn tin tưởng và bị chân lý này thuyết phục. Hãy vận dụng nó trong cuộc sống để gặp hái những điều mình mong muốn.
Lê Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty IDT International
VnExpress
0 nhận xét: on "Doanh nhân với triết lý 'Cho - Nhận'"
Đăng nhận xét